Những ngày này, không ít doanh nghiệp tỏ ra sốt ruột vì thiếu hồ tiêu xuất khẩu. Người trồng tiêu thì đủng đỉnh giữ hàng, chờ giá tăng thêm. Thị trường hồ tiêu gần đây đang bộc lộ những dấu hiệu bất ổn khi giá tiêu liên tục tăng cao, nhưng hàng hóa thì không lưu thông ra thị trường.
Giữa tháng 3, giá tiêu đại lý thu mua ở Bình Phước đã vượt xa mốc 70.000 đồng/kg. Tại các huyện, vài ngày trước giá tiêu dao động trên dưới 72.000 đồng/kg. Giá đại lý thu mua cao nhất là ở huyện Bù Đốp: 75.000 đồng/kg.
Chưa muốn bán tiêu
Giá tiêu tăng cao tuy nhiên, nhiều người dân trồng tiêu vẫn chưa bán ra mà quyết định giữ lại để chờ tăng giá thêm. Ông Trần Văn Tuân – hộ trồng 6ha hồ tiêu ở xã Tân Tiến (huyện Bù Đốp) cho biết, với giá bán 65.000-70.000 đồng/kg thì nông dân đã có lời nhưng ít.
Ở xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp), nông dân trồng tiêu Phạm Văn Lý cũng có cùng suy nghĩ.
Theo ông Lý, giá tiêu phải ở mức từ 130.000-150.000 đồng/kg thì nông dân mới duy trì được nguồn vốn để tái sản xuất, và đảm bảo được cuộc sống gia đình.
“Nếu giá tiêu không tăng thêm, gia đình vẫn trữ tiêu lại và tính toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp – ông Lý cho biết.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giá tiêu bán ra tại vườn dao động từ 70.000 – 71.500 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với đầu vụ thu hoạch cách đây hơn 1 tháng. Ông Tạ Duy Thăng – nông dân trồng tiêu ở xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) cho biết, đây là mức giá cao kỷ lục trong vòng vài năm trở lại đây. Thế nhưng nhiều hộ trồng tiêu đến giờ vẫn quyết định giữ tiêu lại, chưa bán ra.
Ông Thăng kể, xã Xuân Thọ từng là “thủ phủ” hồ tiêu của huyện Xuân Lộc với diện tích hơn 800ha (1/4 diện tích toàn huyện). Khi giá tiêu tuột dốc, nhiều nông dân phải chặt bỏ hồ tiêu.
Do bỏ bê chăm sóc, năng suất hồ tiêu cũng sụt giảm đáng kể. Vườn nào còn được chăm bón mới duy trì được năng suất từ 2,8-3 tấn/ha. Đa số các vườn còn lại bình quân chỉ từ 1,5-2 tấn/ha.
Chưa kể chi phí vật tư như phân thuốc tăng cao, giá nhân công thu hái cũng tăng theo, càng gia tăng thêm áp lực cho chủ vườn.
Ông Thăng đang sở hữu vườn tiêu 8 năm tuổi với diện tích trên 0,5ha. Đầu mùa, ông Thăng thuê 2 nhân công, hái trong 1 ngày, hết 500.000 đồng. Họ hái được tầm 10kg tiêu khô, đem bán ra được 500.000 đồng. Thế là trả hết tiền cho công hái, chủ vườn chẳng còn lại gì.
“Đến mấy hôm nay, giá tiêu tăng lên mức 70.000-71.000 đồng/kg, mừng thì có nhưng bán tiêu ra thì chưa được mấy người. Đi qua mấy mùa tiêu lao tâm khổ tứ, không khó để giải thích vì sao nhiều người vẫn chần chừ giữ tiêu lại mà chưa muốn bán ra” – ông Thăng chia sẻ.
Thị trường hỗn loạn
Trong lúc nông dân và giới đầu cơ nội địa tiếp tục găm hàng hạt tiêu thì vừa qua, một cuộc họp khẩn cấp được Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) triệu tập nhằm gỡ thế bí cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Nguyễn Duy Tường – Giám đốc Công ty TNHH Bách Sinh, một đơn vị kinh doanh hồ tiêu ở Đăk Nông cho biết, các doanh nghiệp đang rất thiếu hàng xuất khẩu, nhất là với những công ty đã ký hợp đồng giao xa trước đó. Việc tổ chức cuộc họp trong lúc này chẳng khác nào cho khách hàng nước ngoài nhìn thấy điểm yếu thiếu hàng của thị trường trong nước.
Nhưng ở khía cạnh khác, theo ông Tường, việc “đánh động” thông tin đến thị trường hồ tiêu thế giới có khi lại là chủ ý riêng của cuộc họp, hòng tìm kiếm phương án có lợi nhất cho xuất khẩu hồ tiêu trong nước. Qua đó, mong muốn khách hàng nước ngoài chấp nhận mua tiêu theo giá nội địa để các đơn vị xuất khẩu bớt thiệt hại.
Những thông tin từ cuộc họp của VPA cho thấy, không loại trừ khả năng doanh nghiệp mua hàng ở nước ngoài để thay thế nguồn hàng đang bị găm lại trong nước. Hoặc là, doanh nghiệp trong nước phải thương lượng với đối tác nước ngoài để lùi thời gian giao hàng; thậm chí chấp nhận phương án đền bù hợp đồng đã ký trước đó…
Theo ông Tường, giá tiêu tăng cao, đương nhiên nông dân Việt Nam có lợi trước mắt. Nhưng doanh nghiệp lại không có hàng xuất khẩu vì chuỗi cung ứng hồ tiêu đứt gãy. Nếu doanh nghiệp chấp nhận mua tiêu từ nước ngoài, ngoại tệ từ túi người này chạy sang túi người khác trong khi hàng chưa ra khỏi Việt Nam.
“Tình hình kinh doanh vốn đã căng thẳng, sẽ còn tiếp tục căng thẳng sau cuộc họp khẩn của VPA” – ông Tường nhận định.
Theo ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), mặt hàng hồ tiêu căn bản là do thị trường cung cầu điều tiết. Chắc chắn khách hàng nước ngoài sẽ phải mua hàng của Việt Nam bởi hiện nay, Việt Nam vẫn đang chiếm hơn 1 nửa sản lượng tiêu toàn cầu. Chưa thể đoán trước được diễn biến thị trường còn bất ngờ đến đâu nhưng thiếu nguồn cung, giá tiêu sẽ còn giữ ở mức cao.
Còn với việc đứt gãy chuỗi cung ứng hồ tiêu hiện nay, ông Bính cho rằng, có nguyên nhân sâu xa từ mối liên kết không bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp. Thị trường hồ tiêu lâu nay mạnh ai nấy làm. Khi nông dân có điều kiện nắm bắt thông tin thị trường tốt hơn, họ sẽ chủ động hơn trong việc bán hàng.